Để đánh giá sự phân bố mỡ trong cơ thể có thể sử dụng chỉ số eo/mông (Waist Hip Ratio - WHR)
WHR = [Vòng eo (cm)] / [ Vòng mông (cm)]
Trong đó: Vòng eo được đo ở ngang rốn và vòng mông được đo ở ngang qua điểm phình to nhất của mông
Chỉ số WHR của nam giới nên từ 0,95 trở xuống, còn nữ giới nên từ 0,85 trở xuống.
Chỉ số WHR là công cụ hữu ích giúp hỗ trợ cho chỉ số BMI, vì chỉ số BMI chỉ có thể phân loại mức độ gầy béo dựa vào tương quan giữa chiều cao và cân nặng, không thể phản ánh được sự phân bố mỡ trong cơ thể. Chất béo tập trung nhiều ở vùng bụng và eo cảnh báo nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa mạch máu...
Dựa vào vị trí phân bố mỡ trên cơ thể, có các dạng béo phì sau:
- Nếu mỡ phân bố đều toàn thân thì được gọi là béo phì toàn thân.
- Nếu mỡ tập trung nhiều vùng bụng và eo: là tạng người có dạng “quả trứng”. Đây là kiểu béo phì “trung tâm” hay béo phì “phần trên”. Người béo phì kiểu này có nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.
- Nếu mỡ tập trung nhiều ở vùng quanh mông, đùi và háng: đây gọi là kiểu béo phì dạng “quả lê” hay còn gọi là béo phì “phần thấp”. Người béo phì kiểu này có ít nguy cơ bệnh tật hơn so với kiểu béo phì trung tâm.
Tóm lại, quá béo hay quá gầy đều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, do đó, bạn cần thường xuyên theo dõi chiều cao và cân nặng để kịp thời có các biện pháp điều chỉnh hợp lý. Việc thay đổi chế độ ăn và tăng cường luyện tập thể dục thể thao là các biện pháp hữu hiệu giúp bạn có một thân hình cân đối, khỏe mạnh.